Vào tháng Ba năm nay GiKaD có đăng bài tường trình về buổi trao học bổng tại Tân Châu, Tây Ninh. Lời tin nhắn của cô Lan,
Hội Khuyến Học, cứ vương vấn mãi:
"Chị ơi, các chị nhà mình lên xe buýt về Tây Ninh rồi chị nhé. Em cám ơn các chị thật nhiều. Khi nào có thêm học bổng nhớ cho Tân Châu em thêm một số suất cho học sinh nghèo nữa nha chị
!"
Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, GiKaD quyết định sang năm học mới sẽ nhận thêm đơn xin cấp học bổng Lá non.
Ngày 23.11.2018, chị Ninh Hồng và chị Ngọc Anh đến thăm gia đình 3 em học sinh trường Trung học Võ Thành Trang ở Tân Phú.
Em Thiện Thanh, 13 tuổi, nhà có 3 chị em, Thanh là lớn nhất. Ba má bỏ nhau, hai người lập gia đình riêng bỏ lại 3 chị em cho bà nội 66 tuổi nuôi. Bà nội đi bán vé số dạo, rau dưa, cá mắm hàng
ngày thì được những người trong chợ bán ế cho.
Thanh bị bệnh bẩm sinh hẹp van động mạch phổi, đã được mổ miễn phí năm 2016. Hiện nay thì một năm phải đi tái khám một lần. Năm nay đã đi khám rồi, tiền khám khoảng 200.000 – 400.000 đồng, cộng
với tiền xe ôm đến bệnh viện Gia Định khoảng 200.000 đồng nữa.
Ở phòng thuê chật, nặng mùi vì chứa nhiều quần áo cũ đi xin về, và phải phân loại vải vụn, giẻ lau, bọc ny-lông để bán ve chai. Giường 2 tầng, em nằm ngủ và học ở tầng trên cùng. Trần thấp, tối
tăm, em phải ngồi khom lưng nếu không đầu sẽ đụng trần, không đủ ánh sáng để học.
Em Thanh mặt sáng sủa, cá tính mạnh mẽ, trả lời rõ ràng, mạch lạc các câu hỏi. Nếu được trợ giúp em có khả năng sẽ thành công, ít ra là có nghề nghiệp để tự nuôi sống mình và các em. Em gái của
Thanh, Trần Ngọc Thiện Tâm, 8 tuổi, học trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, cũng ước ao học thật giỏi để sau này giúp đỡ mọi người.
Ba mẹ Mẫn ly dị, em trai ở với mẹ. Ba nội vừa mất, phải đem về quê chôn cất, quần áo, sách vở, đồ của hai cha con còn để lại nhà trọ do vắng mặt quá lâu nên chủ nhà tưởng không quay lại, đã quăng
bỏ.
Ba em làm bánh tráng trộn bỏ mối, không có tiền đóng tiền học từ đầu năm đến giờ, em đi học nhà trường phải lo cho đồng phục, sách vở, ... Mẫn có ý định bỏ học vì sợ ba không lo được. Nhưng ba em
sau khi bàn bạc với nhiều người thì thuyết phục em phải đi học lại. Do vậy em đã nhập học trễ.
Mẫn tính tình hiền lành, nhưng không mạnh mẽ do không được cha mẹ chăm sóc và định hướng. Khi được chị Ninh Hồng hỏi, em trả lời thích học môn công nghệ và vẽ. Chị khuyên em học lớp 9 xong thì
nên học trường nghề, về cơ điện, tức là sửa máy, thì có thể có thu nhập cao sau này. Trường hợp này GiKaD sẽ theo dõi và hướng nghiệp cho em.
Mẫn và cha em trong phòng trọ với những túi bánh tráng trộn
Em Phong quê ở Phú Yên, mặt sáng sủa, hiền lành, nói năng rõ ràng, có chí hướng. Cha em 64 tuổi, mang bệnh tim. Năm 2016 mẹ em bị đột quỵ nằm nhà thương một thời gian ngắn thì mất. Cha em lo chữa
bịnh cho vợ nên vay ngân hàng khoảng 50 chục triệu, đến giờ vẫn còn nợ.
Từ tháng 02-2018 vào Saigon được người quen giới thiệu làm bảo vệ 24/24, 7 ngày/tuần tại công ty bao bì Vinpack gần trường. Công ty cho hai cha con ở, nhưng ngủ chung với hàng hóa chứ không có
phòng bảo vệ riêng.
Buổi sáng em Phong phải làm thêm việc khuân vác bao bì (25kg/bao) cho công ty từ 07:00 -11:00. Buổi chiều em đi học ở trường. Em học bài từ 20:00 sau khi công nhân về hết.
Sau khi mẹ chết thì cha đi xa kiếm việc (ở Nha Trang), nên một thời gian em Phong phải sống một mình ở quê (Phú Yên), tự chăm sóc, tự học cho đến khi cha rước vào Saigon ở chung. Do đó, em có học
lực yếu, hạnh kiểm trung bình (theo quy định của Bộ Giáo Dục, học lực yếu thì hạnh kiểm không được đánh giá cao). Hai chị giải thích là nếu em cố gắng học, cuối năm có tiến bộ thì vẫn
sẽ được thưởng chứ không cần phải là học sinh giỏi, và quỹ học bổng sẽ theo em đến đại học luôn nếu có em khả năng.
Hoàn cảnh của Thanh, Mẫn und Phong là trường hợp của trẻ em thuộc gia đình nghèo ở đô thị, sống chung với ve chai hoặc ngồi học bài giữa những bao hàng trong kho. Nhưng các em vẫn cố gắng, nuôi ước mơ thoát nghèo bằng con đường học vấn lương thiện.
Thanh và Phong đã tìm được ân nhân nhận bảo trợ.
Thiện Tâm và Minh Mẫn thì chưa !
Mong các ân nhân bảo trợ giúp các em
vươn tới ước mơ thoát nghèo bằng con đường học vấn.