Thứ Tư, ngày 27.12.2017, buổi sáng hai chi Ngọc Anh và Ninh Hồng đến trường trung học Võ Thành Trang gặp cô hiệu phó và các em học sinh đã nộp đơn xin Học Bổng Lá Non, sau đó buổi chiều đến tận nhà của từng em để gặp phụ huynh tìm hiểu gia cảnh.
Riêng em Nguyễn Ngọc Anh Thảo là đã gặp phụ huynh ở trường và được biết cha em là công nhân vác sắt trên xưởng, mẹ bị mất sức lao động do tai biến, chị bị khuyết tật, hai người anh nữa thì mất sớm do đột quỵ.
Ngoài vài trường hợp tuy đúng như mô tả trong đơn nhưng gia đình chưa phải là khó khăn lắm thì đa số đều thuộc diện gia đình nghèo mà các em đều là học sinh giỏi, chăm, ngoan ngoãn lễ phép như
Trần Hoàng Huy, lớp 7, ở nhà trọ, ba mẹ đẩy xe bán bánh tiêu bánh bò buổi chiều, buổi sáng mẹ đi bán xôi.
Phạm Minh Phượng, lớp 8, cha bị ung thư vòm hầu không đi làm thường xuyên được.
Nguyễn Thanh Hiệu, lớp 7, cha mẹ ly dị, em ở với cha trong nhà bà nội, cha chạy xe ôm nuôi 2 con trai còn trong tuổi đi học.
Vũ Hồng Trà My, lớp 7, mồ côi cha, ở nhà bà nội, mẹ bán bánh cuốn buổi sáng còn buổi chiều thì mẹ em đi giúp việc nhà.
Thứ Bảy, ngày 06.01.2018, hai chị Ngọc Anh và Ninh Hồng sắp xếp thời gian đi thăm dò hoàn cảnh gia đình các em học sinh trường tiểu học Phạm Văn Chiêu, quận 12 và trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, trường tiểu học Lê Hoàn thuộc quận Gò Vấp. Các chị có mang bánh cũng như một ít tiền lì xì của mẹ chị Ngọc Anh tặng các em làm quà.
Bùi Quốc Huy, địa chỉ nhà em có đến ba lần sur (501/9/12/17), nếu không có ba em dẫn đường vào thì các chị cũng bó tay. Năm nay em 8 tuổi, học lớp 1 trễ một năm. Mẹ mất lúc em 4 tuổi, hiện em ở với cha. Cha lái xe ba gác chở vật liệu xây dựng, làm thuê cho chủ. Anh của Huy 19 tuổi hiện ở nhà chủ để học nghề sửa xe, còn em và ba sống chung với gia đình nhà nội, đông và chật chội. Lúc hai chị đến thì thấy người ngồi, người nằm xếp lớp. Trong nhà không đủ ánh sáng để đọc hồ sơ, các chị phải ngồi ngoài sân.
Phạm Thanh Tâm, lớp 2, nhà em không có số, hai chị phải đợi ở cổng trường chờ bà ngoại em đạp xe ra dẫn về nhà. Ba mẹ em ly hôn và cả hai đều đã tái hôn, không trợ cấp gì cho em. Em được ông bà ngoại nuôi. Ông ngoại đi phụ hồ, làm công nhật nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm. Bà ngoại thì lượm ve chai, thu nhập bấp bênh, lúc có lúc không. Nhà ở thuê, tiền thuê trước đây là 600.000 VND/tháng, nhưng nay chủ nhà cho ở không rồi. Em Tâm mặt mày sáng sủa, thông minh. Thấy em đưa giấy gần mắt mới đọc được nên các chị nghi ngờ có thể em bị cận thị. Bà ngoại nói em bị viêm xương, lâu lâu lại đau nhức, chỉ đi bác sĩ một lần hồi bé, còn thì lúc đau chạy ra tiệm thuốc tây mua thuốc (chắc là thuốc giảm đau) để uống. Hai chị có khuyên bà ngoại bỏ một buổi lượm ve chai để đưa cháu đi khám bác sĩ chứ uống thuốc giảm đau hoài vậy không tốt. Không biết bà có hiểu không. Bảo trợ của em Tâm đã đề nghị trả tiền mua kính và mua đèn bàn cho em ngồi học. Chị Ninh Hồng sẽ liên lạc với bác sĩ quen để đưa em đi khám bệnh.
Trương Thanh Tâm, lớp 3, nhà ở Gò Vấp, cha mẹ ly dị đã 2 năm, mẹ đơn thân nuôi con, cha không chu cấp gì. Mẹ em quê ở Huế, một thân một mình vào Saigon mưu sinh, khi còn nhỏ bị té vào lửa, phỏng mặt bên trái và hư mắt trái. Mẹ em học đến lớp 10 thì phải nghỉ vì gia đình không có điều kiện để học thêm. Hai mẹ con hiện ở phòng trọ, khoảng 12 mét vuông, tiền phòng và điện nước 1.500.000 VND/tháng. Mẹ em Tâm đi bán vé số, giúp việc nhà, thu nhập khoảng 150.000 – 200.000 VND/ngày, ngày được ngày không. Em Tâm học bán trú từ sáng đến chiều, tiền học và ăn trưa ở trường khoảng 1.200.000 VND/tháng. Em Tâm này có thể bị bướu cổ, mẹ em đang chờ trường phát thẻ bảo hiểm y tế để đưa đi khám.
Chị Ninh Hồng đã liên lạc với bác sĩ khoa nhi ung bướu, đồng ý khám từ thiện cho 2 hai em Phạm Thanh Tâm và Trương Thanh Tâm.
Bốn mẹ con em Huỳnh Ngọc Trâm sống ở nhà ông bà ngoại. Ông bà ngoại mượn nợ xây lại nhà năm 2009, đến đầu năm 2017 đã trả hết nợ. Nhà cửa trông cũng khang trang, ông bà ngoại có 3 phòng trong nhà cho thuê và nhận giặt đồ để sinh sống. Mẹ em nói là cũng phải phụ tiền nhà và điện nước 1.500.000 VND/tháng cho ông bà ngoại. Mẹ em sáng đi bán bánh cuốn, chiều đi giúp việc nhà. Ba em thì về quê chăm bà nội già yếu, không phụ lo gì cho vợ con. Đây là trường hợp dân nghèo thành thị, tuy hoàn cảnh không đến nỗi khốn khổ như các trường hợp trên nhưng cũng cần được giúp đỡ vì mẹ em một mình phải nuôi 3 con nhỏ.
Hai chị thuật lại rằng đi cả buổi chiều ở quận 12 mà không thấy một chiếc xe hơi nào, toàn là xe máy và xe đạp, tuy quận 12 đã đô thị hóa và cũng có một số khu biệt thự được xây dựng. Quận 12 cách quận Gò Vấp một con sông nước đen hôi rình, đi phà An Phú Đông qua sông này mất khoảng 5 phút thôi mà đã thấy hai thế giới khác biệt.
Cảm tưởng riêng của chị Ninh Hồng: "Đi xác thực gia cảnh các em mệt nhưng mà vui, vì mình thấy rõ đời sống mọi người. Thấy trong cái nghèo, cái khổ sự mộc mạc, chân chất cho dù họ đen đủi, xấu xí. Thằng nhỏ Tâm rất dễ thương, sáng sủa, ngây thơ, trong sáng, hiền lành, giống con bé Châu Thị Yến Qui ở Cần Giờ (trong hồ sơ ghi là bệnh nan y, cô giáo cho biết em bị AIDS vì ba em mắc bệnh này)."
Chương trình Lá Non mang ý tưởng giúp các em học sinh nghèo có cơ hội rèn luyện tài năng và nhân cách để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Con đường học vấn từ lớp một đến đại học là một chặng đường dài cần được vun xén để hạt mầm có thể kết hoa.
Rất mong sự giúp đỡ của các anh chị và các bạn với hy vọng sẽ có những bông hoa tươi đẹp trong thập kỷ tới.