Quý 04/2021, các em tiếp tục nhận bài đọc với chủ đề giáo dục về nhân cách, đạo đức và viết tiểu luận nói lên cảm tưởng cũng như các bài học rút ra cho bản thân.
Các em sau đây nhận phần thưởng (200.000 VND) cho bài luận hay nhất (nhấn vào tựa bài để đọc nội dung câu chuyện):
1) Một ly sữa: Võ Hữu Tín
2) Những chiếc khăn giấy xếp: Trần Quốc Hào
3) Con ễnh ương điếc: Nguyễn Thanh Hiệu và Võ Minh Trung (bằng điểm)
4) Nguyễn Võ Bảo Thi nhận giải đặc biệt cho bài "Một ly sữa".
Một ly sữa là câu chuyện có thật. Lòng nhân ái của người phụ nữ đã giúp cậu bé nghèo phấn đấu trở thành bác sĩ Howard Kelly.
Bài tiểu luận của em Bảo Thi nhận giải đặc biệt vì em đã nắm đúng hàm ý câu chuyện khi phân tích việc cho ly sữa là một hành động "vô úy thí", bởi cậu bé có 1 hào trong túi với ý định hỏi mua một
cái gì đấy để lót dạ cho đỡ đói, tức là không cậu không coi cử chỉ người phụ nữ cho cậu ly sữa là "tài thí" vì cậu hỏi cô ta là mình nợ bao nhiêu tiền với hi vọng trả lại được phần nào giá trị ly
nước giải khát cậu định hỏi mua.
Có ba hình thức bố thí được nói đến trong đạo Phật là Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Vô úy là không sợ hãi, vô úy thí là đem cái không sợ hãi mà thí cho mọi người để cho họ có được một trạng thái tâm lý an định có thể đối phó những tình huống khó khăn nguy hiểm.
Gặp người bị tai nạn, bị oan ức, ta đem tài năng hay thế lực ra đùm bọc, che chở cho họ khỏi sợ hãi, đó là Vô úy thí.
“Ơn dễ cảm mà khó quên nhất là ơn mang trong lúc bị khuất phục, bị áp bức”.
Không phải chỉ những người có can đảm, có tài năng, có uy quyền mới có thể Vô úy thí! Một đứa bé đang kinh hãi vì một con chó rượt, một bà lão lo sợ không dám băng qua đường, đó là những cơ hội
chúng ta có thể thực hành pháp Vô úy thí.
Câu trả lời của người phụ nữ đã đem lại cho cậu bé nghèo lòng tin mạnh mẽ, giúp cậu phấn đấu trở thành một vị bác sĩ tài ba và nhân ái, đó là Vô úy thí.
Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ và luôn thay đổi không ngừng.
Chúng ta có thể cho đi nhiều, làm việc nhiều, mơ ước nhiều, gom góp nhiều để có được cuộc sống ấm êm. Nhưng rồi, khi tất cả lắng xuống, có bao giờ bạn tự hỏi “ta cần gì từ cuộc sống?”
Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản đến mức bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra nó. Đó là: Cuộc sống của bất cứ ai đều chỉ cần “cho” và “nhận”. Chuyện có thật “một ly sữa” là dẫn chứng người thật, việc
thật cho chúng ta thấy cuộc sống thay đổi rõ ràng thế nào khi biết cho và nhận.
Với phương thức biểu đạt là tự sự, biểu cảm và nghị luận, truyện được kể theo ngôi thứ ba.
Mở đầu là hình ảnh của Howard Kelly, một cậu bé lúc nhỏ phải đi bán hàng từ nhà này sang nhà khác để kiếm sống suốt quá trình đi học. Một hôm, trong túi cậu chỉ còn một hào nên phải xin nước uống ở một căn nhà và đã xin được một ly sữa lớn và câu nói “không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt …” Cậu bé vừa rời khỏi căn nhà đó vừa cảm thấy khỏe mạnh và tin tưởng cuộc đời hơn, con người hơn. Sau này, cậu trở thành một tiến sĩ, bác sĩ, nhà Vật Lý sáng lập ra khoa Ung thư ở Mỹ. Cậu được mời chữa trị nghiên cứu cho một bênh nhân mà các bác sĩ khác đã bó tay. Lại may thay, đó chính là người đã cho cậu ly sữa năm xưa. Cuối cùng, cậu đã chữa bệnh thành công cho cô gái. Khi cô ta lo sợ phải làm cả đời để trả viện phí thì dòng chữ nguệch ngoạc in vào mắt cô: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa”. Hình ảnh “cho” và “nhận” thể hiện rõ như ban ngày qua câu chuyện trên kèm thông điệp “không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt” vô cùng ý nghĩa.
“Cho” và “nhận” là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. “Cho” có nghĩa là trao cho người khác cái mình đang có, tạo cho họ một cơ hội mà không đòi hỏi được đáp trả lại.
Ngược lại với cho là nhận. “Nhận” là tiếp nhận từ người khác một giá trị vật chất hoặc tinh thần nào đó mà không phải đáp trả lại. Giữa cho và nhận có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời.
“Cho” và “nhận” tưởng giống như là định nghĩa dễ dàng nhưng đủ sức cân bằng được nó trong nếp sống thật không dễ chút nào. Ai cũng đủ nội lực nói: “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp
hơn”, hay “đúng thế, cho đi thì có hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng khi “cho” đi, có chắc là bạn không mong “nhận” về không?
Một bình nước giúp người ta vượt qua cơn khát, một bát cơm làm no lòng kẻ lang thang, một lời động viên giúp con người vượt qua cái chết, một sự hi sinh để cứu lấy vạn người. Hãy luôn biết cho đi
những gì mình có thể bởi bất kì một giá trị bình thường nào trong cuộc sống này đều luôn có ý nghĩa với một ai đó cần đến nó.
Thế nhưng, không phải là cho đi tất cả những gì mình có để được nhận về lời khen ngợi vô nghĩa. Hãy cho đi những gì mình có thể để đảm bảo cuộc sống của mình và người thân trong gia đình được an
toàn.
Hãy cho đi với tấm lòng thành thật và không cầu mong nhận về sự đền đáp. Hãy cho đi một giá trị nào đó cho người cần có nó chứ không phải bất kỳ ai cũng nhận được.
Cho đúng cách là một việc khó làm, cần có trí tuệ và lòng thương con người sâu sắc, cao thượng. Cùng với việc cho đi có lúc ta cũng sẽ được nhận một giá trị nào đó từ người khác. Không phải lúc
nào cuộc sống của chúng ta cũng đủ sung túc hay không gặp rủi ro. Những lúc như thế ta rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Một sự giúp đỡ tốt đẹp của người khác sẽ là nguồn lực, là sức mạnh, là
niềm tin tưởng giúp ta vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh. Khi chúng ta cho đi cũng là lúc chúng ta được nhận lại. Điều chúng ta nhận lại có thể là một lời cảm ơn chân thành, một nụ cười,
một cử chỉ ấm áp khiến chúng ta vui lòng.
Biểu hiện của “cho” và “nhận” trong cuộc sống: Chúng ta có thể cho đi những thứ vật chất, tiền bạc thông qua các hành động từ thiện, quyên góp ủng hộ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Đó cũng có thể là những hành động giúp đỡ, chia sẻ nỗi buồn, nỗi mất mátvới những người xung quanh mình. “Cho” và “nhận” là hành động xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con
người.
Chúng ta phê phán những hành động tiêu cực như chỉ muốn nhận chứ không bao giờ biết cho đi, có lối sống hẹp hòi ích kỷ. Sống chung trong một xã hội phải có tính bình đẳng, phải biếtyêu thương
giúp đỡ lẫn nhau. Những người này sẽ bị xa lánh, sống trong môi trường cô lập, thiếu khí ấm tình người. Ngoài ra, chúng ta phê phán những kẻ mưu tính lợi dụng người khác, cho đi thứ nhỏ nhặt để
mong thứ cao hơn, những kẻ hèn nhát này sống trong sự tính toán, không thoải mái, luôn lo lắng và tới một thời điểm nào đó sẽ thất bại, sống rất khổ sở.
Cho” và “nhận” gắn kết con người lại với nhau nhiều hơn, giúp chúng ta biết yêu thương đồng loại, sống nhân ái, vị tha hơn. Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi cá nhân.
Những người biết cho đi sẽ được mọi người quý mến.
Hãy luôn biết cho đi nhiều hơn và nhận lại ít hơn. Nhận nhiều hơn cho là người chỉ biết sống cho mình hoặc là người thiếu khả năng, bất hạnh cần sự bảo bọc của người khác. Đừng để lòng tham biến
bạn thành người ích kỷ. Là học sinh, chúng ta phải học và rèn luyện thật nhiều từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để biết cách cho đi và nhận lại.
Như vậy, sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống này luôn là sự tồn tại tất yếu của con người. Do đó, khi chúng ta tháo gỡ được vấn đề này có nghĩa là chúng ta đã có ý thức tự nhìn lại mình và đã có
thể tự trang bị cho mình tư thế sẵn sàng cho một cuộc sống đầy màu sắc “thu nhận” và “cống hiến”. Suy cho cùng, “cho” và “nhận” là những yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết để xây dựng cuộc
sống tốt đẹp. Em sẽ luôn chăm chỉ học hỏi điều hay để có thể đóng góp nhiều điều cho xã hội.