Vào tháng 01.2015, hai vợ chồng Hồng đi du lịch Việt Nam, nhân dịp này, có ghé thăm các em học sinh trường tiểu học Duy Thu, Đà Nẵng. Trường nhỏ xíu, chỉ có bốn phòng học, một phòng giáo viên nhỏ và sân trường lỗ chỗ lồi lõm. Khi Hồng hỏi cô giáo Huyền chỗ đi "xả nước cứu thân" thì cô dẫn đến một "túp lều" phía sau trường và xin phép chủ nhà cho "xài ké" nhà vệ sinh. Hồng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên tuy có hơi bị "sốc" nhưng chỉ thoáng qua và vẫn không phiền hà gì. Nhưng người ngoại quốc tây phương chắc chắn "thà chết không xả nước cứu thân" vì cầu tiêu rất thô sơ, chưa bàn đến với chiều cao và trọng lượng của họ chắc sập cầu mất thôi. Điều Hồng muốn nói là: trường không có nhà vệ sinh. Vì lu bu Hồng quên hỏi là như vậy hằng ngày ở trường các em giải quyết bầu tâm sự của mình như thế nào ? Hồng có mang một số ít quần áo cho các em nhưng chắc các em mặc không vừa rồi vì các em ốm và nhỏ con hơn nhiều so với số tuổi.
Hồng xin ghi lại cảm tưởng của ông xã Hồng lúc gặp các em: Sau hơn một tiếng rưỡi trên xe chúng tôi cũng đến nơi. Các em học sinh trố mắt nhìn tôi có lẽ vì chưa hề thấy người da trắng mắt xanh mũi lõ. Nhiều em tỏ vẻ sợ hãi rụt rè, vài em dạn dĩ hơn tìm cách bắt chuyện với tôi bằng tiếng anh. Tuy thiếu thốn đủ thứ mà các thầy cô và các em vẫn khắc phục được, điều này đã để lại trong tôi một ấn tượng rất lớn.
Hội Give Kids a Dream ra đời với ý tưởng giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, có cơ hội tự vươn lên thoát cảnh đói nghèo.
Chi phí bưu chính, điện thoại, đi lại v.v. tất cả đều do những người chung tay thực hiện chương trình này tự chi trả, hoàn toàn không dùng tiền đóng góp của quí ân nhân. Nếu có dịp về Việt Nam họ cũng tự bỏ tiền trả hết chi phí đi lại, bánh kẹo, quà cáp cho các em.
Hội mang tên "Vì ước mơ của trẻ thơ" với ý nguyện giúp các em học sinh nghèo đạt được ước mơ đến trường, như Cat Stevens đã từng nói: "Học vấn chính là gia sản quí báu nhất mà chúng ta có thể tặng cho trẻ thơ".